Rất nhiều gia đình sau khi xây, sửa nhà gặp chuyện không may như gặp tai nạn, làm ăn xui xẻo, các thành viên trong gia đình có sự thay đổi về tính cách,…. Vậy nguyên lý ở đây là gì?
Nguyên lý “địa động thì nhân ứng” – Diễn biến cuộc sống, tư tưởng, hành vi của con người phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của tự nhiên theo nguyên lý mạnh chi phối yếu. Bất cứ sự thay đổi nào của môi trường sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên những người sống trên đó.
Sự thay đổi lớn về nhà cửa sẽ dẫn đến trường khí bị xáo trộn, hàng loạt những hành vi, tập tính và thể trạng của những người trong gia đình cũng thay đổi theo. Vì vậy ngày xưa các cụ dặn con cháu là kiêng sửa chữa, xây nhà khi trong nhà có người già ốm hoặc phụ nữ mang thai là vì những người ốm thì thể trạng đang suy (âm suy) và thai nhi (chưa vượng) thì dễ ảnh hưởng bởi trường khí thay đổi.
Một gia đình sẽ thay đổi theo hướng dần tiêu cực khi chuyển từ một ngôi nhà thông thoáng, có thiết kế tốt hơn sang một ngôi nhà có thiết kế kém, bế khí hơn. Còn một gia đình trong quá khứ ở trong một ngôi nhà bế khí, thiết kế dở nhưng sau đó xây nhà thiết kế tốt hơn, thông thoáng hơn thì sẽ dần tốt lên nhưng cũng trải qua nhiều thay đổi như công việc bị xáo trộn, gia đạo bất hòa, tiền bạc thất thoát,… thời gian ở trong căn nhà cũ bị bế càng dài thì quá trình thay đổi càng lớn và kéo dài. Một căn nhà mới nếu thoáng, sạch hơn, thiết kế tốt hơn thì trong phong thủy gọi là thanh. Quá trình đi từ bế sang thanh sẽ là quá trình bùng nổ và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, những tiêu cực trong quá khứ nên sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Nếu gia đình nào nền tảng sâu dày thì sau nhiều lần suýt đổ vỡ, vẫn giữ vững được nền tảng thì sẽ tốt dần. giai đoạn này thì phải giữ vững bình tĩnh, tích lũy cơ hội thì sau một thời gian sẽ tốt.