Cùng với xu thế phát triển kinh tế – xã hội thì kiến trúc ở Việt Nam những năm gần đây cũng xuất hiện nhiều thiết kế công trình kiến trúc mới. Trong đó có thiết kế biệt thự, nhà cổ điển, tân cổ điển.
Kiểu thiết kế dạng này trong phong thủy gọi là dương vượng sinh âm – tiền bạc nhiều, quan hệ danh tiếng lớn (dương) và mong muốn một công trình bề thế (âm). Hình thế nào thì khí như vậy, những công trình này thường mọc lên ở những nơi dương khí vượng nhưng tạp (gần, sát ngay quốc lộ, đường lớn hoặc chợ búa, ngã 3,4….) ví dụ như biệt thự ảnh bài viết này của đại gia đã bị bắt ở Hải Phòng, biệt thự đại gia Ninh Bình ở quốc lộ 1A,… Những nhà ở vị trí như thế này thể hiện nền tảng không sâu dày, nền tảng xuất xứ của họ không phải là cao mà chỉ đến đời họ mới giàu có. Nếu xuất thân giàu có, phúc đức lớn, cậu ấm cô chiêu thì họ sẽ không xây nhà ở vị trí như vậy – “đất lớn đất chọn người, đất nhỏ người chọn đất”.
Những ngôi nhà, biệt thự như này lại diện tích quá lớn so với quy mô khu đất hoặc có quá ít không gian sân trước. Từng có lần một vị đại gia xây nhà muốn nhờ mình tư vấn xây nhà kiểu đó nhưng khi mình nhìn vào quy hoạch xây dựng thì có hỏi anh ta rằng anh có chấp nhận thu nhỏ diện tích nhà và thay đổi hoàn toàn mặt tiền không thì anh ta không chấp nhận nên mình cũng có ý từ chối tư vấn vì biết rằng nếu không thay đổi thiết kế bên ngoài và quy mô thì tương lai anh ta sẽ mất mát nhiều thứ. Đương nhiên khi người ta đang còn trong thời kỳ vượng thì cái tôi lớn, cứ nghĩ mình sẽ ổn.
Một xã hội xuất hiện nhiều kiểu kiến trúc như vậy thể hiện tâm thức xã hội không có chiều sâu, làm ăn cơ hội, chụp giật. Kiến trúc này có thiết kế nặng nề, bí, nhọn (âm sát) thì thời vượng là may mắn bất ngờ còn thời suy thì đổ vỡ bất ngờ.